Khi thời tiết đẹp, bạn sẽ muốn leo lên xe và phóng tới những vùng miền xa xôi để thưởng ngoạn. Đó cũng là lúc để bạn chứng minh khả năng lái xe của mình. Bài viết là về những kinh nghiệm lái xe đường đèo căn bản nhất.
Đường đèo núi có nhiều cảnh đẹp nhưng sẽ kèm theo là những nguy hiểm rình rập. Nếu không nắm rõ những quy tắc cần thiết bạn sẽ đưa mình vào thế khó.
Để giúp bạn lái xe an toàn qua các cung đường đèo núi, mình sẽ liệt kê ra đây một số kinh nghiệm cần biết. Những đúc kết này sẽ giúp bạn tự tin và giảm thiểu rủi ro tối đa.
Kinh nghiệm lái xe đường đèo: 9 nguyên tắc căn bản.
Trước khi khởi hành với chiếc xe thân yêu, vui lòng tham khảo những bí kíp sau:
1. Kiểm tra xe trước khi khởi hành.
Mình khuyên các bạn nên làm bước này cẩn thận, hình thành nên thói quen trước mỗi hành trình.
Hãy kiểm tra phanh, hệ thống dẫn động và lốp xe trước tiên. Đây là những thành phần thiết yếu nhất. Nếu có bất thường thì cần xử lý ngay bằng cách tới garage kiểm tra. Lốp dự phòng và các công cụ thay bánh cũng cần phải đầy đủ.
Tiếp theo, cần kiểm tra nước làm mát và bổ xung nước rửa kính. Khi đi đèo thì động cơ sẽ nóng hơn bình thường. Do vậy kiểm tra nước làm mát là cần thiết.
Cuối cùng hãy bổ xung nhiên liệu đầy đủ. Vì trên một số cung đường xa sẽ không có cây xăng cho bạn đâu. Lưu ý là trên đường đèo mức tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn. Sóng điện thoại chưa chắc có vì thế cứ đổ đầy bình cho ăn chắc.
2. Sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp.
Thời tiết xấu đột ngột hoặc một vụ tai nạn trên đường có thể khiến bạn mắc kẹt nhiều giờ. Trước khi khởi hành bạn nên báo cho người thân về nơi mình sẽ đi và ước tính thời gian đến đích.
Nên chuẩn bị một chút thức ăn và nước uống. Đề phòng bị mắc kẹt còn có để mà sử dụng. Đã có nhiều vụ mà cánh tài xế phải ngủ trên đèo nhiều giờ để chờ cứu hộ.
3. Sử dụng thiết bị dẫn đường GPS như Google Maps, Vietmap…
Với mình điều này thực sự cần thiết khi đi tới những cung đường xa lạ. Với một màn hình dẫn đường bạn sẽ biết được cung đường trước mặt ra sao. Cung đường có độ quanh co gấp khúc thế nào. Từ đó có thể điều chỉnh tốc độ cho phù hợp.
Có lần mình đi Bắc Hà – Lào Cai, ngồi trong xe mà tầm nhìn chỉ 2-3m do sương mù dày đặc. Rất may là bộ camera hành trình Vietmap vẫn nhận được tín hiệu GPS. Nhờ đó có thể nhận biết được các khúc cua trước mặt.
4. Bí kíp lái xe lên đèo.
Theo lý thuyết và các chuyên gia thì nên làm mát động cơ trước khi lên đèo. Điều này thực sự cần thiết với các xe chạy đường dài và chở hàng nặng.
Với xe hơi thì hệ thống làm mát của nó vốn rất tốt nên ít khi gặp phải tình trạng động cơ quá nhiệt. Để an toàn thì mỗi khi lên đèo bạn có thể dừng lại vài phút uống cốc trà cho thư thái.
Khi lên đèo quan trọng là đảm bảo lực kéo cho xe. Đối với xe số sàn (MT) thì tùy độ dốc mà dùng số cho phù hợp, thường là 1,2,3. Đối với xe số tự động thì đơn giản cứ để vị trí D, tùy tốc độ và điều kiện đường mà hộp số sẽ tự điều chỉnh ở vị trí thích hợp.
5. Nguyên tắc lái xe xuống đèo.
Giống như khi lên, khi xuống đèo cũng cần phải tuân thủ những nguyên tắc quan trọng sau:
- “Lên số nào, xuống số đó”: Đây là nguyên tắc nằm lòng của cánh xe số sàn (MT). Cốt yếu của nguyên tắc này là đảm bảo xe đi với vận tốc đủ và an toàn. Khi lên dốc thường đi số 1,2,3 – Khi xuống thì cũng phải đi với số đó. Không được đi số cao vì khi đi số thấp sẽ có thể dùng động cơ để hãm tốc độ mà không cần dùng phanh.
- Không lạm dụng phanh để hãm tốc độ vì khi phanh quá nhiều lần sẽ gây ra hiện tượng cháy má phanh, sôi dầu phanh – khiến hệ thống phanh mất tác dụng.
- Bấm còi và đi đúng lane khi vào cua hoặc khuất tầm nhìn.
- Nhường đường cho xe lên dốc.
Phanh bằng động cơ như thế nào?
Khi đi đường đèo, nhất định bạn phải biết kỹ thuật phanh bằng động cơ hay còn gọi là kỹ thuật “phanh giữ tốc snubbing” – bằng cách đi số thấp như đã nói ở trên. Tuyệt đối không được rà phanh liên tục mà gây cháy phanh.
Đối với xe số tự động, nhà sản xuất luôn cho phép bạn đi số thấp bằng cách gạt cần số về các vị trí D1, D2, D3 hoặc về các vị trí +- …tùy hãng xe (xe nào cũng có chế độ này).
Trải nghiệm thực tế
Xe của mình có dấu +- trên hai phía của cần số (xe Mercedes), khi đang ở D mà gạt về – thì hộp số chuyển về chế độ manual, màn hình taplo sẽ hiển thị số tương ứng với tốc độ đang đi (ví dụ số 3), gạt sang dấu – lần nữa thì hộp số chuyển về số 2…cứ thế. Nếu đang ở manual, muốn chuyển về số tự động thì gạt 2 lần liên tiếp sang vị trí có dấu + (cái này tùy xe nhé).
Gần đây mình có đổ đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) bằng xe tự động, vì cũng đi lần đầu nên mình đi chậm, giữ xe ở số 2 và thả xe tự trôi (máy vẫn nổ, chân luôn đặt sẵn ở chân phanh). Khi tốc độ đạt tới mức cảm thấy nhanh (~40kmh) thì mình lại phanh lại cho tốc độ giảm xuống tầm 20kmh và lại cho xe tự trôi. Với hành trình như vậy, má phanh sẽ không bị quá nóng.
6. Không ôm vạch chia làn đường
Khi vào các khúc cua thì đi đúng lane và hạn chế tối đa việc bám tim đường, đề phòng hướng đối diện có xe đi tới.
Đừng ngần ngại bấm còi khi vào cua bị khuất tầm nhìn. Còi sẽ báo hiệu cho phía bên kia là có bạn đang đi tới. Đặc thù đường xã Việt Nam là nhiều xe đi ẩu và xe máy hay lấn làn (đặc biệt là bà con dân tộc), cứ còi to cho ăn chắc dù nhiều khi chẳng có ai.
7. Dừng nghỉ trên đèo
Trong nhiều trường hợp bạn sẽ phải đỗ xe trên đèo, khi đó để an toàn thì nên làm như sau:
- Đậu sát lề và tránh khúc cua.
- Sử dụng cục đá để chèn bánh xe trống trôi.
- Đánh lái để bánh xe hướng về taluy dương, không để lái thẳng. Lỡ có sự cố xe sẽ đâm vào taluy chứ không bay xuống vực.
8. Quay đầu xe trên đèo
Đôi khi bạn sẽ phải quay đầu xe trên đèo, đây là một hành động có khá nhiều rủi ro. Những rủi ro chính gồm: Vực sâu, độ dốc, đường hẹp…
Để giảm thiểu rủi ro khi quay đầu, bắt buộc bạn phải tìm chỗ rộng rãi. Tuân thủ nguyên tắc hướng đầu xe về hướng có nguy hiểm. Bạn nhất định ko được lùi xe ra phía vực mà phải hướng đầu xe ra đó.
9. Luôn chú ý biển báo
Đường đèo luôn có nhiều nguy hiểm và bất ngờ chờ đón bạn, do vậy nhất thiết phải luôn chú ý biển báo, đặc biệt là các biển báo cua liên tục, biển báo độ dốc…
Biết được biển báo, bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất. Ví dụ khi gặp biển báo độ dốc 10%, bạn sẽ biết là phải về số để xe có lực kéo hợp lý.
Trên đây là 9 kinh nghiệm lái xe ô tô đường đèo mà bạn phải nắm rõ nếu muốn cải thiện kỹ năng lái xe của mình. Khi tuân thủ đúng những nguyên tắc cơ bản, bạn sẽ đảm bảo được sự an toàn cho mình và gia đình trong những chuyến đi khó. Với những bí kíp này, tôi tin rằng bạn sẽ có đủ tự tin để chinh phục những con đèo khó, nhất là tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.